Hội thảo Quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn để phân hủy
Theo thegioimoitruong.vn - 20/12/2024
Ngày 20/12/2024, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM phối hợp cùng Liên danh Saigon - Mekong (SCM) tổ chức hội thảo “Quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn Subcritical Water Reaction - SCM” trong bối cảnh xử lý rác thải đi đôi với bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết đối với xã hội.
Nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các đô thị Việt Nam, thúc đẩy hoạt động quảng bá và chuyển giao công nghệ và giải pháp môi trường phù hợp với điều kiện thực tế tại các đô thị của Việt Nam góp phần giảm rác thải, phát thải, phát triển theo hướng xanh - sạch - đẹp.
Hội thảo khoa học “Quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn Subcritical Water Reaction - SCM" giúp các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan và rõ nét về thực trạng quản lý và xử lý rác thải, môi trường tại các đô thị, những chính sách mới trong việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường hiện nay, cũng như tiếp cận, đánh giá và đón nhận công nghệ phản ứng nước cận tới hạn trong vấn đề xử lý rác thải và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường gồm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TTBTNMT nhằm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 05/06/2013 về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề về rác thải.
Một số phương pháp xử lý rác đang được áp dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay như chôn lấp, sản xuất phân compost, đốt thiêu hủy bằng các lò thủ công, đốt rác phát điện và biogas. Trong đó hai phương pháp phổ biến nhất mà Việt Nam sử dụng chủ yếu là chôn lấp và đốt thủ công đã bị cấm hoặc không được khuyến khích áp dụng.
Nhà sáng lập công nghệ phản ứng nước cận tới hạn - Giáo sư Kaneo Ishimori
Nhà sáng lập công nghệ phản ứng nước cận tới hạn - Giáo sư Kaneo Ishimori cho biết đã nghiên cứu thiết bị phản ứng nước cận tới hạn này trong 20 năm qua, ông thậm chí còn chứng minh “vật liệu thải ra đã được khử trùng hoàn toàn và rất an toàn bằng cách tự mình nếm thử nước”. Ngoài ra, ông còn cho biết: “Phân và chất thải được tạo ra trong quá trình kiểm dịch được khử trùng hoàn toàn, nhiều nông dân đã sử dụng chất thải qua xử lý đó làm phân bón và phân bón này có chất lượng rất cao, bằng chứng là khi bón trực tiếp lên cây cà chua, chúng đã chuyển sang màu rất sậm trong vòng ba ngày do nhận được nồng độ dinh dưỡng vô cùng cao.”
GS.TS Nguyễn Văn Phước - chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh
GS.TS Nguyễn Văn Phước - chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Liên hiệp rất vui mừng được đồng tổ chức và công bố công nghệ mới về xử lý rác thải tại Việt Nam. Đây là một công nghệ đột phá, không tác động xấu đến môi trường, không lãng phí tài nguyên rác, tài nguyên đất hay thời gian của người vận hành."
Đại diện Liên danh Saigon - Mekong - SCM - Phó Chủ tịch SCM Việt Nam - Ông Nguyễn Thành Lâm cho biết “ rất vui mừng được tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mong muốn được hợp tác với nhiều doanh nghiệp để triển khai công nghệ mới này."
Ông Supakit Phucharoensilp - Giám đốc công ty cổ phần vật liệu xây dựng VCM (trực thuộc Tập đoàn SCG) - một trong những doanh nghiệp đầu tiên bày tỏ mong muốn đồng hành và hợp tác cùng SCM Việt Nam để triển khai và lan tỏa công nghệ phản ứng nước cận tới hạn chia sẽ mong muốn được tiếp tục giảm carbon thông qua năng lượng bền vững: "Hôm nay, chúng ta không chỉ nói về giảm thiểu tác động mà còn đang thay đổi toàn bộ hệ thống, từ quản lý rác thải, sản xuất năng lượng đến tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ít Carbon không chỉ là một dự án, mà là một tấm nhìn dẫn dắt chúng ta tới một tương lai phát triển cùng thế giới bền vững."
Hội thảo "Quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ phản ứng nước cận tới hạn Subcritical Water Reaction - SCM" đáp ứng các chiến lược và chính sách quốc gia trong việc xử lý rác thải, đồng thời góp phần thực hiện những khuyến nghị của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự đầu tư trong lĩnh vực này của các doanh nghiệp trong nước có trình độ, kiến thức về xử lý rác, có bản quyền sở hữu công nghệ, có khả năng liên danh liên kết với công ty nước ngoài, đảm bảo về vốn và khả năng cung cấp thiết bị cũng như vận hành chuyển giao.
Mô hình công nghệ phản ứng nước cận tới hạn Subcritical Water Reaction - SCM đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, nó mang đến giải pháp đột phá, tác động tích cực lên môi trường với những ưu điểm như không phát sinh khí CO2, dioxin khi xử lý rác bằng công nghệ đốt, sẽ không gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất bằng phương pháp chôn lấp.
Nguồn BTC.