Theo htv.com.vn - 21/12/2024
(HTV) - Thời gian qua, tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội đã triển khai nhiều dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên, việc thu gom và xử lý chất thải chưa thực sự hiệu quả.
Thực tế có đến khoảng 85% lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Trong đó chỉ khoảng 20% là các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Việc tìm kiếm và áp dụng giải pháp xử lý rác công nghệ mới, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là bài toán cấp bách lúc này.
Mới đây, Nhật Bản vừa chuyển giao độc quyền cho công ty SCM Việt Nam công nghệ xử lý rác thải bằng phản ứng cận tới hạn thủy phân. Giải pháp sẽ được thí điểm tại khu liên hợp xử lý rác thải Tây Bắc TP.HCM với quy mô hơn 36 hecta. Theo đánh giá của chuyên gia, ưu điểm của công nghệ này trong xử lý rác thải là không cần phân loại rác tại nguồn, giảm gần 90% lượng khí thải CO2, không sản sinh ra khí Dioxide, xử lý hiệu quả chất thải nguy hại như y tế, điện tử, khả năng tiệt trùng cao, đồng thời tái tạo năng lượng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM cho biết: "Công nghệ xử lý rác bằng nước cận tới hạn sẽ chuyển hóa các thành phần của rác, tạo ra những loại nhiên liệu dùng như củi, gỗ, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng".
Theo Giáo sư Ishimori Kaneo - Nhà sáng chế công nghệ phản ứng cận tới hạn thủy phân nhận định, xử lý rác bằng công nghệ phản ứng cận tới hạn thủy phân đã được chúng tôi triển khai tại Nhật Bản, Mỹ, và một số nước châu Âu. Thành công từ những dự án trên giúp chúng tôi tự tin mang công nghệ này phát triển ở TP.HCM, Việt Nam để xử lý vấn đề rác thải đô thị đang rất nhức nhối.
Giáo sư Ishimori Kaneo - Nhà sáng chế công nghệ phản ứng cận tới hạn thủy phân
Còn đối với Ông Nguyễn Nhi Phong - Tổng Giám đốc Công ty SCM, sau khi nhận chuyển giao độc quyền, công ty sẽ mở một công xưởng để sản xuất máy móc tại Việt Nam, hy vong sẽ kết nối được các cơ quan, doanh nghiệp, người dân để sử dụng công nghệ này nhằm tối ưu hóa chi phí đầu vào, đầu ra. Khi sản xuất được tại Việt Nam như vậy thì chi phí đầu tư sẽ rẻ hơn ở các quốc gia khác như Nhật, Mỹ hay châu Âu.
Cũng theo đại diện SCM Việt Nam, một thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại là tận dụng được nguồn lao động từ địa phương.